Ấn vàng vua Minh Mạng được đưa khỏi danh mục đấu giá tại Pháp

Sau những nỗ lực đàm phán với Hãng Millon (Pháp), đến 7 giờ 30 ngày 31/10 (giờ Paris), đại diện phía VN và Hãng Millon cùng thống nhất thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo.

Tiếp đó, đến 10 giờ 10 cùng ngày, Hãng Millon ra thông cáo chính thức đưa ấn vàng của vua Minh Mạng ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31/10 tại Pháp.

Đây là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Quyết tâm đưa ấn quay trở về VN không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hoá bị thất lạc, tránh “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá thế giới. Việc làm rất có ý nghĩa này còn nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hoá, đồng thời thể hiện vai trò của nước ta trong việc thực hiện các cam kết tại các công ước quốc tế mà VN tham gia.

vua-minh-mang-4841-1667464032.jpg
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Thông tin từ Bộ VH-TT-DL cho biết Bộ sẽ nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số bộ ngành, tổ chức, cá nhân huy động mọi nguồn lực, nhằm tìm cách mang ấn vàng Hoàng đế chi bảo của vua Minh Mạng về nước sớm nhất có thể.

Theo các nhà nghiên cứu, ấn Hoàng đế chi bảo là cổ vật có giá trị rất cao, thu hút sự quan tâm của giới buôn đồ cổ thế giới. Đó là chiếc kim ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn, được đúc bằng vàng vào năm thứ 4 đời vua Minh Mạng (1823), nặng 10,78 kg. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại.

Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ 王 (vương: vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng.

Thông tin trên website của Millon miêu tả (bằng tiếng Pháp) được nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn lược dịch như sau: Ấn vàng (lô số 101/329) cao 10,4 cm, mặt ấn hình vuông (13,8 x 13,7 cm), nặng 10,78 kg. Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ 王 (vương: vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng.

Mặt trên của ấn, ở hai bên quai ấn, có khắc chìm hai dòng chữ: 明命肆年貳月初肆日吉時 鑄造 (Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo: đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4) và 拾成黃金重貳佰捌拾兩玖錢貳分 (Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân: làm bằng vàng, nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân).

Mặt dưới của ấn khắc nổi bốn chữ triện: 皇帝之寶 (Hoàng đế chi bảo: báu vật của hoàng đế).

Lại lùi ngày đấu giá ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo' - ảnh 3

Mặt dưới của ấn Hoàng đế chi bảo

MILLON

Trong suốt 143 năm của nhà Nguyễn có hơn 100 ấn tín đã được tạo ra. Chúng được làm bằng vàng, ngọc, ngà, bạc và đồng… thường do các thành viên hoàng gia và quan chức sử dụng. Dưới thời Minh Mạng, người ta đã chế tạo 15 ấn ngọc và ấn vàng, kể cả ấn đang bán đấu giá ở đây. Những ấn tín bằng vàng ròng, được gọi là Kim bửu tỷ (金寶 璽), Kim bảo tỷ (金寶 璽) hoặc Kim tỷ (金 璽) là loại hiếm nhất và quan trọng nhất, chỉ dùng cho các sắc phong và văn bản quan trọng nhất. Ước tính giá từ 2 - 3 triệu euro.

Về việc đấu giá này, ngày 26/10, ông Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam (Hoàng tộc nhà Nguyễn), đã có văn bản gửi ông Jean Gauchet, Giám định viên Hãng đấu giá Millon (Pháp), yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật bát vàng của vua Khải Định và ấn triện bằng vàng của vua Minh Mạng.

Lại lùi ngày đấu giá ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo' - ảnh 4

Vua Minh Mạng

ẢNH TL

Phía Nguyễn Phúc tộc cho biết đang nghiên cứu về quyền pháp lý và cách thức mà vị vua cuối cùng của Việt Nam, đức vua Bảo Đại “được cho là” đã chuyển nhượng quyền thừa kế, trong khi chiếc ấn Hoàng đế chi bảo và chiếc bát vàng là hai vật quốc bảo.

Văn bản của Nguyễn Phúc tộc có đoạn: “Với giá ước lượng mà ông đã đề ra, theo chúng tôi, bản thân đức vua Bảo Đại cũng đủ trí tuệ để hiểu rằng ngài không được phép tiếm quyền chuyển nhượng, dù nhà tổ chức đấu giá Millon có trình ra giấy thừa kế đến từ bất cứ công chứng viên nào. Do đó, chúng tôi long trọng và khẩn khoản yêu cầu ông hủy bỏ cuộc đấu giá hai cổ vật nêu trên trong khi chờ các cơ quan hữu trách điều tra”.

Về phần mình, Bộ VH-TT-DL cũng có văn bản trao đổi với Bộ Ngoại giao nhằm có những biện pháp thương thảo liên quan đến chiếc ấn. Trong đó, Bộ VH-TT-DL khẳng định: “Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn nên có ý nghĩa về lịch sử, văn hoá. Vì vậy, việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết”.